iPhone 14 series ra mắt với quá nhiều sự kế thừa từ iPhone 13 series từ thiết kế, màn hình, chipset cho đến camera. Nhưng có một điều Apple đã làm khác đi trên thế hệ iPhone 14, đó là “kéo dài” khoảng cách giữa iPhone Pro và iPhone “không Pro”, việc này đồng thời đã phân biệt khoảng cách rõ rệt giữa hai tệp người dùng của dòng máy này ra nhiều hơn.
Đã có những lúc người dùng chúng ta luôn có sự phân vân giữa việc nên mua iPhone có Pro hay thường, nhất là ở thế hệ iPhone 12 khi mà iPhone 12 Pro với thường chỉ khác nhau rõ rệt ở cụm camera. Sang đến iPhone 13 series thì có khác biệt ở phần GPU và màn hình ProMotion 120Hz, còn lại vẫn giống nhau về phần ngôn ngữ thiết kế và thế hệ chip.
Dù đặt thêm hậu tố “Pro” để phân biệt giữa các tệp người dùng nhưng có lẽ Apple vẫn chưa làm nổi bật được hẳn hoi giữa hai cấp bậc máy. Dẫu có khác biệt về hiệu năng (một ít) và camera nhưng sự khác biệt là quá nhỏ, làm cho iPhone Pro không còn đủ sức thuyết phục, đặc biệt đối với dòng Pro 6.1 inch luôn có doanh số không cao so với dòng 6.1 inch thường. Để hạn chế điều đó, Apple cùng với iPhone 14 series đã đánh dấu một bước ngoặt mới.
iPhone 14 series giờ đây đã vẽ rõ ra đường ranh giới rõ ràng và hẳn hoi giữa iPhone 14 và iPhone 14 Pro. Một bên cho những người sử dụng thông thường, không quan tâm nhiều cấu hình, hiệu năng và cũng không nâng cấp máy thường xuyên. Còn một bên là những người chịu tận dụng những tính năng mới, “chịu chi” dành cho điện thoại.
Mục lục
Người mua iPhone giờ phải đứng giữa hai nhu cầu: Dùng bình thường và Chuyên nghiệp
Người muốn lựa chọn iPhone bây giờ như đang đứng giữa hai câu hỏi tượng trưng cho ngã rẽ khi quyết định mua iPhone: “Tôi xài bình thường hay tôi xài chuyên nghiệp?”. Câu hỏi trên phản ánh rất đúng cách Apple phân chia tệp người dùng.
Đối với iPhone 14 và 14 Plus sẽ dành cho những người dùng đã lâu chưa nâng cấp iPhone nhưng muốn mua máy mới, muốn một chiếc smartphone lâu dài với tầm giá không vượt quá 1000 USD, nhu cầu sử dụng căn bản như mọi chiếc smartphone như lướt mạng xã hội, lướt web, nghe gọi và một số hình thức tiêu thụ nội dung khác. Những thứ này iPhone 13 hiện đang làm quá trơn tru, nên hãng chỉ cần ra iPhone 14 để làm mới lại thiết bị mà thôi.
Trong khi iPhone 14 Pro và iPhoe 14 Pro Max ngoài dùng để liên lạc, tiêu thụ nội dung như iPhone 14 thì người dùng được nhắm đến của dòng máy này là những người tạo ra nội dung, những tính năng nâng cấp khủng về camera, sự khác biệt rõ nét giữa dòng chip và nhiều tính năng tiện dụng hơn, phù hợp đa nhiệm hơn với sự xuất hiện của Dynamic Island.
Dẫu cùng mang 1 gen iPhone 14, nhưng cả hai dòng máy Pro và không Pro thật sự có thể tách ra thành hai mẫu smartphone khác nhau nếu so sánh theo khía cạnh giá bán, vi xử lý, thiết kế và vật liệu thì cả hai chả có gì là điểm chung. Dòng Pro nay thật sự “Pro” đúng nghĩa hơn, xứng đáng hơn với mức giá ngàn đô với sự khác biệt hẳn hoi về thiết kế chủ đạo, hay cụ thể hơn là phần mặt trước với Dynamic Island thay vì tai thỏ.
Khác với thời của các model iPhone cũ. Đơn cử như dòng 13, nhiều người dùng vốn sẽ phân vân nhiều giữa việc chọn lựa iPhone 13 hay iPhone 13 Pro/ Pro Max vì có nhiều sự giống nhau, điển hình nhất là ngôn ngữ thiết kế và chip. Nhưng đối với dòng iPhone 14, câu hỏi mà nhiều người mua sẽ đặt ra có lẽ là: Nên mua iPhone 13 hay iPhone 14? Nên mua iPhone 14 Plus hay iPhone 13 Pro/ Pro Max? iPhone 14 đã không còn có cửa “chung mâm” so với iPhone 14 Pro/ Pro Max nữa.
Bây giờ phải bỏ ra hơn 1000 đô mới được sử dụng vi xử lý mới nhất từ Apple
Có thể nói, Apple đã “hào phóng” với dòng Pro/Pro Max năm nay và đổi lại là sự keo kiệt trên iPhone 14 và iPhone 14 Plus. Khác với khi xưa, chỉ cần bỏ khoảng 800 đô hoặc từ 23 triệu là bạn có thể sử dụng được vi xử lý đời mới nhất đến từ nhà Táo, nhưng giờ thì “không có cửa”. Với 23 triệu đồng, bạn sẽ được sử dụng cấu hình của dòng Pro năm ngoái, còn muốn sử dụng “con quái vật mới” A16 của Apple thì bạn phải bỏ ra hơn ngàn đô.
Chip Apple A16 không đơn thuần chỉ có hiệu năng cao hơn đời cũ, mà đây còn là tổ hợp chip điều khiển các tính năng vượt trội trên iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max, điển hình như thành phần Display Engine có tác dụng kiểm soát và cho phép tốc độ làm tươi màn hình còn 1Hz để phục vụ cho tính năng Always On Display, đây là lí do tại sao Apple lại tự tin làm màn hình luôn sáng hiển thị y như màn hình khoá thông thường thay vì chỉ là một màn hình đen cùng với đồng hồ như trên Android. Ngoài ra mô-đun Display Engine này còn giúp khử răng cưa để phục vụ cho Dynamic Engine.
Chưa dừng lại ở đó, chip A16 Bionic còn được nâng cấp bộ phận xử lý tín hiệu hình ảnh ISP để có thể “gánh” camera 48MP và hỗ trợ lên đến 4 nghìn tỷ thao tác trên bức ảnh. Điều này chưa thấy, việc không trang bị chip Apple A16 trên iPhone 14 và iPhone 14 Plus đồng nghĩa với việc hai mẫu iPhone này còn bị cắt bỏ rất nhiều tính năng quan trọng. Điều này ngầm khẳng định sự “phân biệt đối xử” của hãng đối với người dùng chuyên nghiệp và thông thường.
Sự “phân hoá” kiểu mẫu cho cả ngành công nghiệp smartphone học theo
Dẫu mình không thích nói điều này, nhưng vẫn phải công nhận các hãng Android rất thích làm theo “thói xấu” của Apple, vì chúng tạo ra lợi ích. Không phải tự nhiên mà Apple thường được gắn mác “kẻ tạo xu hướng”, “chúa tể tái định nghĩa”, vì một khi hãng thay đổi sẽ tạo ra tiền lệ cho các hãng khác làm theo.
Điển hình như việc cắt giảm sạc trên smartphone, dần dần các hãng lớn cũng đều đang làm theo những gì Apple đang làm: Bỏ sạc, hộp mỏng hơn. Dù có “khịa” Apple đi chăng nữa thì việc làm này vẫn rất tốt cho lợi nhuận của bất kỳ nhà sản xuất nào, thế nên dại gì không làm theo?
Cách Apple phân chia rạch ròi cấu hình điện thoại giữa các mẫu iPhone trong cùng 1 phân khúc suy đi tính lại vẫn là điều không nên. Cùng mang danh iPhone 14 nhưng khác chip, khác thiết kế như hai dòng smartphone khác nhau. Điều này sẽ mở ra tiền lệ mới cho các hãng khác làm theo tương tự, cùng một dòng flagship nhưng dòng Pro hoặc “Ultra” sẽ có cấu hình “khác bọt”.
Điển hình như dòng Pixel, biết đâu sau này sẽ không có dòng “a” nữa, thay vào đó chỉ có dòng Pixel và Pixel Pro cùng là flagship nhưng mẫu này cấu hình, công nghệ ít hơn mẫu kia. Hay tương tự Xiaomi cũng không cần phân cấp dòng Lite nữa. Lúc này, có lẽ thị trường smartphone sẽ phải phân cấp lại, dòng flagship nay phải đổi thành cận flagship và flagship?
Tuy nhiên, có lẽ sẽ cần đợi thời gian trả lời thêm liệu chiến lược phân cấp sản phẩm này của Apple có làm ảnh hưởng đến doanh số tổng quan của iPhone 14 series hay không. Trước mắt, có lẽ doanh số iPhone 14 sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi chính người em iPhone 13 và iPhone 14 Pro với rất nhiều khác biệt. Có lẽ năm nay chức “smartphone bán chạy nhất” sẽ hơi khó khăn với iPhone 14. Nhưng nếu doanh số tổng của dòng iPhone 14 vượt trội, thì có lẽ chiến lược phân cấp sản phẩm này sẽ vẫn tiếp tục là mặc định của Apple, và các hãng khác sẽ dần làm theo.
Riêng ở thị trường Việt Nam, dòng Pro Max vẫn sẽ “ẳm trọn” bảng xếp hạng
Riêng ở thị trường nước nhà, dù có phân cấp kiểu gì đi nữa thì doanh số iPhone 14 Pro Max phần trăm cao vẫn sẽ đứng “top” dù mẫu này có định vị ở phân khúc nào đi chăng nữa. Dù Apple đang cố định hướng iPhone 14 Pro Max theo phân khúc dành cho người dùng chuyên nghiệp, nhưng có một tệp người dùng phụ dù hãng không nói ra nhưng họ vẫn luôn là khách hàng trung thành: Tệp người dùng mua máy vì độ nhận diện, dòng Pro Max là dòng cao cấp nhất của hãng, chỉ cần như thế là đủ để quyết định. Và thú thật, nếu đủ điều kiện thì mình cũng sẽ nằm trong phân khúc khách hàng này, mua thì mua cho tới, sau này nâng cấp đời mới bán được giá, dễ dàng hơn.
Tạm kết
Chung quy lại, việc Apple chia rõ “lằn ranh” giữa phân khúc dòng Pro và dòng thường nhìn chung sẽ cân bằng doanh số của các mẫu iPhone trong dòng máy. Đặc biệt đối với dòng Pro 6.1 inch giờ đây sẽ được nhiều người cân nhắc hơn thay vì lựa chọn iPhone 14 thường 6.1 inch như trước. Hãy cùng xem liệu chiến lược mới của Apple có hiệu quả không, và các hãng khác có “học theo” không nhé!
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.